45 ngày phượt, cắm trại từ Nam ra Bắc

Trong 45 ngày lái xe dọc đất nước, gia đình anh Minh đi qua 22 tỉnh thành, ngủ 35 đêm trong lều để sống giữa thiên nhiên.

Sau một năm tìm hiểu và lên kế hoạch kỹ lưỡng, ngày 16/8, gia đình anh Nguyễn Ngọc Minh (28 tuổi, Sóc Trăng) bắt đầu chuyến phượt từ Nam ra Bắc bằng ôtô bán tải. Chuyến đi kéo dài đến ngày 9/10 với tổng quãng đường gần 9.000 km.

Khác với những chuyến phượt dài ngày trước đây, lần này, anh quyết định không thuê phòng nghỉ mà qua đêm bằng hình thức cắm trại tự túc. Vợ chồng anh cùng con gái đã có 35 ngày ngủ trong lều trại và 10 ngày nghỉ tại homestay, khách sạn do một số yếu tố khách quan.





Gia đình anh Minh cắm trại ở Mũi Yến (Phú Yên) trong hành trình.

Gia đình anh Minh cắm trại ở Mũi Yến (Phú Yên) trong hành trình.

Lý do anh Minh thực hiện chuyến đi này là vì cô con gái 18 tháng tuổi. Anh mong muốn con gái thích nghi với nhiều dạng thời tiết, tăng cường sức đề kháng cũng như làm quen dần với thế giới bên ngoài trong giai đoạn hình thành tư duy và tính cách (dưới 6 tuổi).

Kế hoạch ban đầu, anh Minh chỉ dự kiến đi dọc từ Nam ra Bắc. Trên hành trình, anh vô tình gặp được một số người bạn cùng đam mê nên đã ghép đoàn đi cùng nhau hơn một tháng. Hành trình bắt đầu từ TP Cần Thơ, nơi anh đang sinh sống và làm việc, qua TP HCM, các tỉnh miền Trung đến Hà Nội rồi di chuyển lên các tỉnh miền núi phía Bắc.

Anh Minh lựa chọn những tỉnh, thành chưa có dịp ghé hoặc chưa có nhiều trải nghiệm trong những chuyến đi trước. “Trường hợp không tìm được điểm dựng trại hoặc thời gian quá muộn chúng tôi mới thuê phòng nghỉ”, anh nói. Thông thường, thời gian ở lại mỗi tỉnh thành là một ngày một đêm, song một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, anh dành khoảng 2 – 3 ngày để chiêm ngưỡng khung cảnh mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang.

Tại mỗi nơi, anh đều chọn những địa điểm hoang sơ, gần gũi thiên nhiên, có phong cảnh đẹp để dựng trại nghỉ qua đêm như: Cù Lao Mái Nhà (Phú Yên); đèo Hải Vân (Đà Nẵng); đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải (Yên Bái); thảo nguyên Suôi Thầu, bản Phùng, Hoàng Su Phì, đỉnh Chiêu Lầu Thi (Hà Giang); thác Cò La, núi Mắt Thần (Cao Bằng) và hai ngày du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).

Vì sống và làm việc ở miền Nam, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ tại các tỉnh miền núi phía Bắc để lại ấn tượng mạnh cho gia đình anh Minh. Đặc biệt hơn, gia đình anh đến vào đúng mùa hoa tam giác mạch ở thảo nguyên Suôi Thầu và mùa lúa chín ở Hoàng Su Phì, Mù Cang Chải. Ngủ giữa núi đồi hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng, có lúc thức dậy là bình minh trên biển, có lúc lại là biển mây, sương mù trắng xóa trước mặt. “Chứng kiến những khoảnh khắc đó khiến tôi càng háo hức đi thêm nhiều nơi, ngắm thêm nhiều cảnh đẹp”, anh Minh nói.

Địa điểm khiến anh ấn tượng nhất là Hang Táu, hay còn được biết đến là làng nguyên thủy ở Mộc Châu. Trên bãi cỏ xanh là những đàn trâu, bò, gà lợn được chăn thả tự do, những căn nhà gỗ của người H’Mông tạo thành cụm biệt lập, bao bọc bởi núi rừng và tách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi đây không có điện, không có mạng internet và sóng điện thoại. “Nhịp sống truyền thống, tự cung tự cấp mang đến cảm giác chậm rãi và yên bình, khác hẳn với cuộc sống tôi đã quen trong hơn 20 năm qua”, anh nói.

Được bố mẹ cho làm quen với việc camping ngắn ngày từ khi 3 tháng tuổi, con gái anh Minh không chỉ dễ dàng thích nghi mà còn bày tỏ sự thích thú khi đến mỗi địa điểm khác nhau. Kinh nghiệm để giúp bé thoải mái trong mỗi chuyến đi đó là trang bị thêm ghế dành cho trẻ em trên xe, chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cần thiết như áo ấm, sữa bột, cháo dinh dưỡng và tã giấy. Rèn cho bé ăn thô sớm cũng là một cách bố mẹ bớt lo lắng và gánh nặng, thoải mái cho con đi camping dài ngày, anh Minh chia sẻ.

Trước đây, anh Minh đã có hai lần phượt xuyên Việt bằng xe máy nhưng nghỉ qua đêm ở homestay hoặc khách sạn. So với việc đi phượt bằng xe máy, việc đi phượt bằng ôtô kết hợp cắm trại có một số ưu điểm. Anh Minh sử dụng xe bán tải loại hai cầu, giúp tiết kiệm nhiên liệu; tiết kiệm chi phí lưu trú nếu đi dài ngày; có thể mang theo nhiều hành lý, vật dụng; dễ dàng đưa gia đình và đặc biệt trẻ nhỏ đi cùng. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức đi phượt này là tốn khá nhiều chi phí ban đầu để mua dụng cụ cắm trại, bị hạn chế địa điểm (nếu đường nhỏ, xe ôtô không thể đi vào) và việc sửa chữa xe khi gặp sự cố cũng khó khăn hơn so với xe máy.

Trong chuyến đi, trung bình mỗi ngày gia đình anh chi tiêu khoảng một triệu đồng. Nhưng trước đó, anh đã phải chuẩn bị một số trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt như máy phát điện, bình trữ nước, nguyên liệu và dụng cụ nấu ăn; tủ lạnh và một số vật dụng cắm trại như lều gắn nóc, bàn ghế, túi ngủ.

“Chuyến đi này sẽ là tiền đề cho những hành trình sau này với nhiều trải nghiệm đáng giá”, anh Minh nói. Đồng thời, anh hy vọng những chia sẻ của mình sẽ tiếp thêm động lực cho những du khách muốn đi cắm trại cùng gia đình, gắn kết tình cảm. Trong tương lai, anh đang chuẩn bị kế hoạch cho chuyến đi xuyên châu Âu bằng xe mobihome (xe ôtô được thiết kế và trang bị như một ngôi nhà di động) để cùng vợ và con gái chiêm ngưỡng thêm nhiều cảnh đẹp trên thế giới.

Quỳnh Mai
Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh



Nguồn: Vnexpress

Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:

– Kiến thức gia đình

– Tri thức đời sống

– Cẩm nang sức khỏe

– Kênh youtube Kiến thức gia đình