Bùng nổ du lịch nội địa ‘Tuần lễ vàng’ ở Trung Quốc

Khoảng 900 triệu chuyến đi trong nước được thực hiện trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng từ 29/9 đến 6/10, khách sạn kín chỗ, khu du lịch, quán hàng đông nghịt người.

Tết Trung thu và kỳ nghỉ quốc khánh (Tuần lễ vàng) năm nay của người Trung Quốc kéo dài từ 29/9 đến 6/10. Kỳ nghỉ 8 ngày, dài hơn bình thường khiến nhiều người có kế hoạch đi du lịch.

Hơn 6.000 phòng ở khu du lịch thung lũng Vọng Tiên Cốc, tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc, nơi nổi tiếng với các khách sạn bên vách đá, đã kín một tuần trước kỳ nghỉ.

Quản lý Ding Yongxiao cho biết để đáp ứng nhu cầu du lịch tăng đột biến, họ đã áp dụng hệ thống booking trực tuyến và duy trì lượng khách mỗi ngày không quá 25.000 nhằm mang đến trải nghiệm tốt hơn.





Hành khách di chuyển ở nhà ga Thượng Hải hôm 29/9. Ảnh: Reuters

Hành khách ở nhà ga Thượng Hải hôm 29/9. Ảnh: Reuters

Dai Bin, Chủ tịch Học viện Du lịch Trung Quốc, cho rằng “đây có thể là kỳ nghỉ ‘Tuần lễ vàng’ đông đúc nhất”. Học viện này dự đoán trung bình hơn 100 triệu chuyến đi được thực hiện khắp đất nước mỗi ngày trong giai đoạn này và tổng cộng có gần 900 triệu chuyến.

Theo Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, một tuần trước kỳ nghỉ, có 146 triệu vé tàu đã được bán trên toàn quốc. Dự kiến có 190 triệu chuyến đi bằng đường sắt trong đợt cao điểm du lịch này. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc ước tính hơn 21 triệu hành khách di chuyển bằng máy bay, với khoảng 137.000 chuyến, trung bình 17.000 chuyến mỗi ngày.

Theo nền tảng du lịch Fliggy của Alibaba, đơn đặt hàng cho các chuyến đi tăng 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, gần 100 buổi hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Phật Sơn và các thành phố lớn khác nhằm thúc đẩy du lịch nội địa. Fliggy cho biết lượng đặt phòng khách sạn tại các thành phố lớn trong kỳ nghỉ lễ tăng 500% so với năm ngoái.

Li Yu, 25 tuổi, một người mê nhạc rock, đã mua vé trước một tháng để dự lễ hội âm nhạc được tổ chức tại thị trấn Cảnh Đức (Giang Tây). “Đây là lần đầu tiên tôi đến Giang Tây”, cô nói. Ngoài việc tham dự lễ hội âm nhạc địa phương, cô có kế hoạch đến thăm hội chợ nghệ thuật gốm sứ và bảo tàng gốm sứ Cảnh Đức.

Hai ngày trước kỳ nghỉ, Zhang Yuji, làm việc ở Thượng Hải, đã đến thành phố ven biển Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc cùng bạn. Ngay khi đến đó, Zhang đã đi thẳng tới thị trấn Cangma, một trong những điểm quay bộ phim đình đám Phong thần 1: Tam bộ khúc (Creation of The Gods I: Kingdom of Storms).

Ước tính lượng khách du lịch đến thị trấn đạt 100.000 người trong kỳ nghỉ lễ. Theo báo cáo do Viện nghiên cứu Ctrip, lượng đặt chỗ đến Thanh Đảo tăng 473% so với cùng kỳ năm ngoái.

Li Xiaochun, Tổng giám đốc chi nhánh Liêu Ninh của China Comfort Tourism Group Co, cho biết:

“Khi lối sống và sở thích tiêu dùng của khách du lịch ngày càng đa dạng, một video, trải nghiệm ẩm thực hoặc lễ hội âm nhạc đều có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho những chuyến đi ngẫu hứng”, Li Xiaochun, Tổng giám đốc chi nhánh Liêu Ninh của China Comfort Tourism Group Co, cho nói. Trong “Tuần lễ vàng”, các sự kiện như hòa nhạc, lễ hội, chạy marathon trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng du lịch.





Khách du lịch ở Thung lũng Vọng Tiên Cốc, tỉnh Giang Tây. Ảnh: Xinhua

Khách du lịch ở thung lũng Vọng Tiên Cốc, tỉnh Giang Tây. Ảnh: Xinhua

Sự bùng nổ của du lịch nội địa trong “Tuần lễ vàng” là cơ hội để kinh tế Trung Quốc phục hồi. Tại Diên Cát, thành phố nhỏ ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, Li Xiangying, người điều hành một quán cà phê gần Đại học Yanbian, cho biết bán được khoảng 1.000 cốc cà phê với doanh thu 20.000 nhân dân tệ (tương đương 65 triệu đồng) một ngày. Dự đoán lượng khách hàng tăng lên đáng kể, quán ban đầu có 6 nhân viên này đã tuyển thêm hai người trước kỳ nghỉ.

Pan Weiwen, chủ sở hữu Songji, nhà hàng lẩu nổi tiếng ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, cho biết gần đây nhà hàng nhận được rất nhiều cuộc gọi đặt chỗ. Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, khách đến ăn trưa từ 10h. “Nhiều người mang cả hành lý đến bởi 80% thực khách buổi trưa là những người từ nơi khác tới. Họ vừa xuống xe khách, tàu hoặc máy bay”, theo Pan. Tại một chi nhánh của nhà hàng ở Quảng Châu, một số khách hàng phải chờ đến 13h vì không có chỗ ngồi.

“Có cả trăm nhóm khách (mỗi nhóm 3-4 người) tới ăn trưa. Một trong những chi nhánh của chúng tôi đã phục vụ hơn 1.200 bàn trong ngày thứ sáu”, Zhang Jianwei, một quản lý, cho biết.

Li Jiwei, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Meituan, cho biết kể từ đầu năm, mô hình tiêu dùng của người dân Trung Quốc đã dần chuyển đổi từ tiêu dùng sang tiêu dùng và dịch vụ. Dịch vụ bán lẻ đã trở thành động lực mới của nền kinh tế kỳ nghỉ lễ.

“Với việc lượng đặt vé ngắm cảnh, khách sạn, ăn uống và các dịch vụ khác tăng đáng kể, nhu cầu tiêu dùng trên cả nước sẽ được giải phóng hơn nữa trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, phản ánh xu hướng phát triển tích cực của nền kinh tế Trung Quốc”, ông Li nói thêm.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách quốc tế sau gần ba năm bị cô lập vì đại dịch và đóng cửa biên giới. Dù nước này mở cửa hồi đầu năm, rất ít khách nước ngoài quay lại.

Theo dữ liệu nhập cư của Trung Quốc, sự phục hồi của ngành du lịch đang khá chậm chạp. Lượng khách quốc tế trong nửa đầu năm giảm 70% so với năm 2019. Giới chức kêu gọi các không gian công cộng treo biển hiệu bằng nhiều ngôn ngữ để người nước ngoài thuận tiện hơn trong quá trình đặt vé tham quan, quá cảnh và nhận phòng khách sạn. Các chính sách miễn visa cũng đang được tiến hành nhằm thu hút thêm nhiều khách nước ngoài.

Tâm Anh (theo Xinhua, SCMP)



Nguồn: Vnexpress

Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:

– Kiến thức gia đình

– Tri thức đời sống

– Cẩm nang sức khỏe

– Kênh youtube Kiến thức gia đình