Khi khách gặp sự cố sức khỏe, tổ bay tự giải quyết vấn đề hoặc phát đi thông điệp qua loa: Có ai là bác sĩ trên tàu bay không?
Đối với bác sĩ Sij Hemal, chuyến bay vào tháng 12/2017 là kỷ niệm không bao giờ quên. Khi đó, Hemal 27 tuổi, là bác sĩ nội trú năm thứ hai đang từ Ấn Độ bay về Mỹ qua bốn chặng New Delhi-Paris-New York – Cleveland.
Ở chặng Paris – New York, khi máy bay cất cánh, giọng tiếp viên vang lên qua hệ thống loa: “Có ai là bác sĩ trên máy bay không?” Hemal nhìn xung quanh. Ngồi cạnh anh là Susan Shepherd, bác sĩ nhi khoa đang trên đường trở về nhà sau thời gian làm việc với tổ chức nhân đạo Médecins Sans Frontières (Bác sĩ không biên giới).
Sau khi trao đổi nhanh, Hemal đứng lên đi xem tình hình còn Shepherd sẽ tới hỗ trợ nếu cần. Anh được tiếp viên dẫn đến chỗ hành khách gặp sự cố. Người phụ nữ ngoài 40 tuổi, kêu đau lưng, bụng và thông báo có thai.
Máy bay đang bay qua Đại Tây Dương, không có sân bay gần đó để hạ cánh khẩn cấp. “Bạn đang ở độ cao gần 12.000 m và bao xung quanh là một màu xanh (màu trời, nước biển)”, Hemal nhớ lại. Hai bác sĩ chuẩn bị cho tình huống đỡ đẻ trên máy bay. Vài giờ sau đó, nữ hành khách mẹ tròn con vuông dưới sự trợ giúp của tổ bay cùng các bác sĩ Hemal – Shepherd. Máy bay hạ cánh tại sân bay JFK ở New York, người mẹ và em bé được chuyển đến trung tâm y tế gần đó. Hemal vội vàng lấy hành lý để bắt kịp chuyến bay tiếp theo đến Cleveland.
Câu nói “Có bác sĩ trên máy bay không” thường xuất hiện trong các bộ phim liên quan đến tình huống khẩn cấp trên máy bay. Nhiều người cho rằng cụm từ này “sáo rỗng”. “Nhưng điều đó đã thực sự xảy ra”, Hemal nói.
Theo CNN, các tiếp viên được đào tạo về sơ cứu để đối phó với các tình huống khẩn cấp y tế. Nhiều trường hợp, tổ bay tự xử lý nhưng cũng có ca họ phải nhờ đến sự trợ giúp từ hành khách. Với các bác sĩ, việc đột ngột chuyển từ việc đang nghỉ ngơi sang hỗ trợ hành khách gặp nạn không phải là tình huống khó khăn và hiếm gặp. Hemal nói bạn bè thường xuyên nhờ anh tư vấn y tế ngoài bệnh viện như trong tiệc cưới, đi chơi hoặc thậm chí là ngồi trên taxi lái xe cũng nhờ hỗ trợ.
Tuy vậy Hemal nhận định không phải mọi chuyên gia y tế đều sẵn sàng hỗ trợ các ca khẩn cấp ngoài bệnh viện, đặc biệt trên máy bay. “Thành thật mà nói nhiều người sợ hãi, lo lắng nên không muốn làm điều đó”, Hemal nói.
Máy bay là một không gian kín, các ca bệnh cũng rất đa dạng. Do đó không phải bác sĩ nào cũng có thể chuẩn đoán chính xác bệnh nếu không phải chuyên môn. Hemal cho biết trên thế giới có một luật gọi là Good Samaritan (Người Samarita nhân hậu), giúp bác sĩ khỏi các vụ kiện tụng hay yêu cầu bồi thường nếu tham gia cứu chữa nhưng bệnh nhân.
Tại Mỹ, đạo luật Hỗ trợ Y tế Hàng không được ra đời nhằm bảo vệ các bác sĩ không phải đối mặt trách nhiệm pháp lý khi tham gia giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp trên máy bay. Dù vậy theo Hemal, các bác sĩ luôn dốc hết sức lực trong mọi hoàn cảnh.
Tiến sĩ Lauren Feld, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và gan tại Mỹ giúp đỡ nhiều trường hợp khẩn cấp. Cô từng yêu cầu hạ cánh khẩn cấp để kịp thời đưa hành khách tới bệnh viện. Feld miêu tả hành động “yêu cầu phi công cho máy bay hạ cánh khẩn” không khiến cô dành được nhiều thiện cảm của những hành khách còn lại vì chuyến bay bị trì hoãn nhiều giờ. Nhưng cô vẫn hành động vì “lợi ích tốt nhất cho người bệnh”.
Với tư cách là bác sĩ, Feld không uống rượu trên máy bay. Cô thường ngủ hoặc bận rộn trông con cái. Cô cho biết nếu một chuyên gia y tế đã uống vài ly trước khi nhận được lời kêu gọi trợ giúp y tế nên cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp rằng có nên tham gia hỗ trợ hay không.
Anh Minh (Theo CNN)
Nguồn: Vnexpress
Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:
– Kiến thức gia đình
– Tri thức đời sống
– Cẩm nang sức khỏe
– Kênh youtube Kiến thức gia đình