Eximbank đang thực sự trở lại?

Một ngân hàng thương mại từng khẳng định vị trí top đầu hệ thống đang trở lại, sau cả một thập kỷ.

Trong danh mục đầu tư hiện nay của Eximbank hoàn toàn không có trái phiếu doanh nghiệp
Trong danh mục đầu tư hiện nay của Eximbank hoàn toàn không có trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 27/5/2022, cuối cùng ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần thứ hai của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tổ chức thành công. Gọi là thường niên 2022 nhưng các nội dung và các tờ trình từ năm 2018 đến nay mới được thông qua.

Hai tháng sau, kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022 của Eximbank cho thêm tín hiệu tốt: dáng dấp của một ngân hàng thương mại (NHTM) từng nổi trội của một thập kỷ trước có dấu hiệu trở lại top đầu trong hệ thống.

Khởi đầu kỳ vọng mới

Một thập kỷ trước, 2011 đánh dấu năm đỉnh cao của Eximbank trong lịch sử của riêng ngân hàng này cũng như trong hệ thống NHTM Việt Nam nói chung. Đặc biệt tại thời điểm đó, với sức tăng trưởng trên 70%, Eximbank khẳng định vị thế toàn diện ở khối NHTMCP và cũng là một trong những thành viên có vốn điều lệ cao nhất.

Năm 2012, “cuộc khủng hoảng” với nhiều vấn đề về nợ xấu, thanh khoản và rủi ro… xảy ra với hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, cũng là năm cao điểm khoanh vùng và triển khai tái cơ cấu. Hầu hết các NHTM từ năm đó đều thoái trào, đặc biệt ở chỉ tiêu lợi nhuận. Eximbank không ngoại lệ.

Đó cũng là dấu mốc cho một thập kỷ đến nay lợi nhuận của một ngân hàng danh tiếng trong lĩnh vực tài trợ và thanh toán xuất nhập khẩu này liên tục lao dốc, cho đến những năm vừa qua lợi nhuận vẫn loay hoay quanh mức 1.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, trong suốt chục năm đó, rõ ràng thị phần và vị thế đã hụt lại một quãng rất xa…

Đó cũng là khoảng thời gian Eximbank có quá nhiều xáo trộn, nhiều sự việc bất lợi. Nhân sự cao cấp nhất – Chủ tịch HĐQT – quá nhiều lần thay đổi; có những năm còn thiếu cả vị trí Tổng giám đốc. Nguyên do, cơ cấu cổ đông lớn xáo trộn, thiếu tiếng nói chung. Chính điều này khiến ngân hàng nhiều năm không thể tổ chức ĐHĐCĐ thành công, mà qua đó cũng đã cả chục năm không tăng được vốn điều lệ.

Biến động tại Eximbank nhiều, đã được đề cập nhiều. Cái mới đang được kỳ vọng hơn, kỳ vọng thay đổi sau đại hội ngày 27/5 vừa qua. Thay đổi đó nằm ở tính ổn định: một NHTM thực sự có cơ cấu HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành kiện toàn bền vững, “an cư để lạc nghiệp”. Và kỳ vọng cơ cấu này có được tiếng nói chung, cùng nhìn về một hướng để từng bước trở lại.

Kỳ vọng còn phía trước. Bước đầu, ở kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy chuyển biến rõ rệt. Lợi nhuận trước thuế của Eximbank nửa đầu năm nay đã đạt hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2021. Trong kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt khá cao với 8,3%; các chỉ tiêu phi tín dụng như thu nhập từ bảo hiểm tăng tới 45%, thu nhập kinh doanh ngoại hối tăng 37% so với cùng kỳ 2021…

Hiệu quả kinh doanh Eximbank được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,83%, giảm 0,11% so cuối năm 2021. Đáng chú ý, ngân hàng đã kiểm soát tốt hơn vấn đề chi phí, khi giảm được rất mạnh tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) từ 53,39% năm 2021 xuống dưới 40%; tỷ lệ này trước đây từng lên tới trên 65% vào năm 2018.

Cơ hội phía trước?

Kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại, nhưng có là xu hướng bền vững? Eximbank có cơ hội để dần thu hẹp khoảng cách với rất nhiều NHTM khác đã bứt tốc mạnh và vượt qua một quãng xa sau chục năm qua?

Câu trả lời trước hết vẫn ở kỳ vọng trên: các cổ đông lớn cùng nhìn về một hướng, có được cơ cấu HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành ổn định và bền vững. Khi có một cơ cấu ổn định và đồng lòng, vấn đề còn lại của Eximbank chỉ là thời gian.

Trong quá trình bị bỏ lại phía sau nhiều năm qua, bản thân tình hình tài chính của ngân hàng này không có các vấn đề trọng yếu. Nợ xấu vẫn được kiểm soát ở giới hạn Ngân hàng Nhà nước quy định; các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo (hệ số CAR luôn được duy trì ở mức trên 12%, khi theo quy định của NHNN hiện nay tối thiểu là 8%). Đặc biệt, trong danh mục đầu tư hiện nay của Eximbank hoàn toàn không có trái phiếu doanh nghiệp và hàng quý, ngân hàng đều thực hiện trích lập dự phòng chung và cụ thể một cách đầy đủ theo quy định của NHNN.

Tình hình tài chính không có những vấn đề quá trọng yếu cũng được Ngân hàng Nhà nước “đóng dấu”, điển hình như giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 13,5%, sát với chỉ tiêu chung toàn ngành; năm 2022 Eximbank tiếp tục được giao bước đầu 10%, ngang với một số NHTM lớn hàng đầu trong hệ thống.

Nhưng, vấn đề tài chính trọng yếu của Eximbank nằm ở sức nâng vốn điều lệ. Lần tăng vốn gần nhất là từ… 10 năm trước và giữ nguyên 12.355 tỷ đồng cho đến nay. Trong khi đó phần lớn các nhà băng khác đã đều đặn đưa quy mô vốn điều lệ vượt xa, đẩy Eximbank xuống “hạng cân” thấp hơn để có thể “đấu tạ”.

Khắc phục vấn đề này, ĐHĐCĐ vừa qua đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Dù lợi nhuận suy giảm và đạt thấp giai đoạn 2017-2021, song Eximbank cũng tích lũy được nhất định phần chưa chia. Theo đó, kế hoạch tăng 20% vốn điều lệ đã được đặt ra, với điểm đến dự kiến 14.814 tỷ đồng vốn điều lệ. Kế hoạch này nếu triển khai thành công, Eximbank tự tạo cơ hội cho mình trước đã.

Chặng đường phía trước, về tổng quan, báo cáo mới đây của SSI Research có một điểm tham khảo: Sang năm 2023, các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng ngân hàng nói chung có thể chịu áp lực lớn hơn so với năm 2022, do rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể dần hiện hữu.

Với những bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, liên quan nhất định đến lĩnh vực bất động sản, hệ sinh thái lợi nhuận của một số NHTM có thể chịu ảnh hưởng bất lợi, thậm chí đã chịu ảnh hưởng nhất định khi có hiện tượng nhà đầu tư rút tiền qua bán lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn thời gian qua…

Tại Eximbank, như đã phân tích, chính vì không nặng vướng các vấn đề tài chính trọng yếu, đặc biệt ngân hàng không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, cũng như không đầu tư, cấp tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro theo cảnh báo của NHNN sẽ là điều kiện để có thể nhẹ bước hơn chặng đường sắp tới và tăng tốc rút ngắn khoảng cách trong đường đua trở về top đầu.

Nhưng, nói gì thì nói, như trên, Eximbank đã hụt lại phía sau so với nhiều NHTM khác ở các tương quan như về vốn và lợi nhuận. Thu hẹp khoảng cách này hẳn cần thời gian và nỗ lực nhiều hơn nữa sau kỳ vọng mới thắp lên nửa đầu năm nay.

Chặng đường phía trước dù còn khá nhiều thách thức nhưng cơ hội nói chung là rộng mở. Bởi với đà phục hồi hậu COVID-19 và quy mô nền kinh tế không ngừng rộng mở, cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là khá hợp lý tạo tiền đề cho nền kinh tế và doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, và đây cũng là điều kiện thuận lợi cho Eximbank quay trở lại đường đua về top đầu. Hy vọng đang ở phía trước.



Nguồn: Nhịp sống doanh nghiệp (link)

Trả lời