Giá vàng SJC vượt mốc 68 triệu đồng/lượng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (27/1), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 67,3 – 68,3 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua bán so với trước kỳ nghỉ lễ. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở ngưỡng 1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 800 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 500 nghìn đồng/lượng chiều bán, đang niêm yết ở mức 67,3 – 68,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 0,9 triệu đồng/lượng.
Tương tự, tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng miếng đang được giao dịch ở ngưỡng 67,2 – 68,2 triệu đồng/lượng, tăng 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 700 nghìn đồng/lượng chiều bán trong khi tại PNJ, giá vàng tăng 300 nghìn đồng/lượng chiều mua và 400 nghìn đồng/lượng chiều bán, đang được giao dịch ở ngưỡng 67,2 – 68,2 triệu đồng/lượng.
Với sản phẩm nhẫn tròn trơn, giá vàng cũng đang tăng khá mạnh từ 600 đến 1 triệu đồng/lượng so với trước Tết, xoay quanh mốc 55 triệu đồng/lượng chiều mua và 56 triệu đồng/lượng chiều bán.
Giá vàng niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Tổng hợp: Linh Linh
Giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý đang đảo chiều đi xuống khi nhà đầu tư chốt lời.
Biểu đồ: Kitco
Giá vàng giao ngay trên Kitco hiện đang ở mức 1.924,9 USD/ounce, giảm 21,1 USD, tương đương 1,08% so với chốt phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 54,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 12,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng có thể lập kỷ lục mới trong năm nay?
Công ty chứng khoán Citic Securities lớn nhất tại Trung Quốc dự báo về khả năng giá vàng sẽ lập kỷ lục trong năm nay bởi viện đẫn dến việc nhiều ngân hàng trung ương lớn mua vào như một trong những dấu hiệu lạc quan nhất.
Một trong những ngân hàng trung ương gây bất ngờ cho thị trường vàng vào cuối năm ngoái là Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vào tháng 11/2022 đã công bố đợt mua vào chính thức khoảng 32 tấn, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai công bố mua tính từ tháng 9/2019. Sau đó đến đợt mua vào 30 tấn trong tháng 12/2022. Tổng dự trữ của Trung Quốc hiện ước tính khoảng 2.010 tấn.
Và Trung Quốc không phải ngân hàng trung ương duy nhất mua vào. Các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu cân nhắc mua vàng vào nửa sau của năm ngoái và đã mua ước tính 400 tấn trong quý 3/2022. Con số này cho thấy sự tăng trưởng khoảng 300% so với cùng kỳ năm trước, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố.
Dựa trên số liệu mới nhất này, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua 673 tấn trong 3 quý đầu năm ngoái, cao hơn tổng mức mua vào hàng năm tính từ năm 1967 khi đó đồng USD vẫn được đảm bảo bằng vàng.
“Hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có thể coi như một trong những chỉ báo quan trọng nhất về khả năng giá vàng sẽ tăng. Giá vàng dự kiến sẽ duy trì được động lực và sẽ được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, căng thẳng địa chính trị tiếp diễn cũng như suy thoái kinh tế”, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Citic Securities – ông Ao Chong khẳng định.
Citic dự báo giá vàng sẽ lập những mức kỷ lục trong năm nay khi mà giá vượt mức 2.000USD/ounce. Trong báo cáo công bố lần gần nhất, không có mức giá mục tiêu nào được đưa ra.
Vàng hiện đang trong xu thế tăng giá, giá vàng đã tăng hơn 6% tính từ đầu năm nay và như vậy ghi nhận tháng 1 tăng mạnh nhất tính từ năm 2012.
Theo phân tích của các chuyên gia, hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính đằng sau đợt tăng giá này.
Nguồn: Nhịp sống doanh nghiệp (link)
Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:
– Kiến thức gia đình
– Tri thức đời sống
– Cẩm nang sức khỏe