Chiều ngày 8/11 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức Hội thảo quốc tế “Digitalize to Revolutionize – Định hình nền kinh tế số tương lai”.
Sự kiện nằm trong chuỗi kế hoạch dài hạn, thường niên nhằm mục tiêu đưa tri thức quốc tế đến MB và các đối tác của MB, từ đó góp phần khai phóng các nguồn lực quốc gia cho quá trình kiến tạo nền kinh tế số bền vững.
Lời khuyên từ các chuyên gia hàng đầu thế giới
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB chia sẻ, từ trải nghiệm thành công trong chuyển đổi số tại MB, ông mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp cùng thành công trên con đường chuyển đổi số. “Đây là lý do MB tổ chức Hội thảo quốc tế đặc biệt này, nhằm kết nối và lan tỏa tầm nhìn chuyển đổi số từ những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi số và nghệ thuật lựa chọn từ Columbia Business School (Hoa Kỳ) đến các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam”, ông nói.
Với nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi số cùng kinh nghiệm tư vấn chiến lược cho những tập đoàn hàng đầu thế giới, các diễn giả David L. Rogers, Sheena S. Iyengar và Paul J. Bailo đã chia sẻ những phương pháp và bài học thực tế, thúc đẩy quá trình xây dựng nền kinh tế số tầm quốc gia, cũng như thực thi chiến lược chuyển đổi số tại từng doanh nghiệp.
Giáo sư David L. Rogers: Chuyển đổi số phải là một quá trình liên tục
Giáo sư David L. Rogers cho rằng, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhiều năm để phát triển hiệu quả và vững vàng trong môi trường kinh doanh không ngừng thay đổi. Đây là thách thức diễn ra trong rất nhiều ngành và trực tiếp ảnh hưởng toàn diện tới tất cả các doanh nghiệp. Bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ, mà phải từ thay đổi tư duy, áp dụng tư duy mới vào trong chính tổ chức của mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nghĩ tới dữ liệu vì đây là tài sản đóng vai trò cốt lõi để phát triển trong tương lai.
Cũng theo Giáo sư Rogers, chuyển đổi số không phải là câu chuyện dễ dàng bởi thực tế cho thấy, 70-80% chiến dịch chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã không mang lại kết quả mong muốn. Rào cản với quá trình chuyển đổi số được Giáo sư đúc kết là: doanh nghiệp không có tầm nhìn chung; không có kỷ luật trong xác định ưu tiên; không có thói quen thử nghiệm; không linh hoạt trong quản trị và không tăng trưởng về năng lực.
Giáo sư hàng đầu Hoa Kỳ cho rằng, muốn thành công, chuyển đổi số phải là tổng hòa của hai yếu tố: Chiến lược và chuyển đổi tự thân trong tổ chức. “Phải đặc biệt chú ý tới hai yếu tố này thì tổ chức mới có thể thành công”, ông nói.
Theo Giáo sư L. Rogers, doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng lộ trình 5 bước cho chuyển đổi số. Đó là, xác định được tầm nhìn chung, lựa chọn những vấn dề quan trọng nhất; kiểm chứng các thử nghiệm mới; quản lý tăng trưởng quy mô lớn và không ngừng tăng trưởng về năng lực. Quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp toàn cầu như Netflix, Amazon, ChatGPT… được ông chia sẻ như những câu chuyện thực tế minh chứng cho đúc kết 5 bước để chuyển đổi số đi đến thành công.
Giáo sư Sheena Iyengar: Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Doanh nghiệp Việt Nam hãy nghĩ lớn để thành công.
Với chủ đề “Làm thế nào để có thể nghĩ lớn hơn”, Giáo sư Sheena Iyengar chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình khi cùng gia đình từ Ấn Độ đi tìm “giấc mơ Mỹ”. Theo bà, lựa chọn là điều duy nhất chúng ta có thể tự kiểm soát. Đây cũng là công cụ giúp mỗi cá nhân phát triển bản thân, cũng như tổ chức trong tương lai,
Chuyên tâm nghiên cứu về sức mạnh của sự lựa chọn, Giáo sư cho biết, trong vòng 10 năm qua, bà đã xây dựng phương pháp Nghĩ lớn (Big Think). Đây là phương pháp có thể áp dụng hỗ trợ cho sự thay đổi nói chung của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng. Để minh họa cho sức mạnh của sự lựa chọn và Nghĩ lớn, Giáo sư đã dẫn chứng nhiều thí dụ về sự tự đổi mới sáng tạo của các cá nhân, tổ chức lớn như Pablo Picasso hay các chiến dịch y tế trong đại dịch Covid-19 (máy thở). Trước rất nhiều sự lựa chọn, các cá nhân, tổ chức dám nghĩ lớn có cơ hội phát triển và thành công cao hơn.
Gợi ý về cách thức áp dụng phương pháp Nghĩ lớn, Giáo sư Sheena Iyengar khuyên xây dựng tư duy “ngoài khung” và không theo lối mòn. Bà chỉ ra 6 bước cụ thể để thực hành theo phương pháp Nghĩ lớn, bao gồm việc lựa chọn vấn đề; chia nhỏ vấn đề; so sánh mong muốn; tìm kiếm trong và ngoài khuôn khổ; hình thành bản đồ lựa chọn và Con mắt thứ ba là đặt bản thân vào người khác để nhìn nhận lại lựa chọn của mình đã thực hiện.
Giáo sư Sheena Iyengar đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc đổi mới sáng tạo. “Điều còn lại cần phải làm là phải kiến tạo tương lai, xây dựng hệ thống. Lựa chọn đó là của các bạn”, Giáo sư nhấn mạnh.
Từ mơ lớn, nghĩ lớn đến làm lớn: mấu chốt là phải đổi mới, sáng tạo
Xoay quanh chủ đề “Chuyển đổi số: Mơ lớn, Nghĩ lớn, Làm lớn”, ông Paul J.Bailo, nhà cố vấn cao cấp cho Apple, AT&T, Bank of America, Goldman Sachs, Mastercard, General Motors đã dẫn dắt cuộc thảo luận tại Hội thảo, kết nối những câu hỏi và câu trả lời đáng nhớ đến khán giả Việt Nam.
Với câu hỏi đầu tiên: “Mấu chốt dẫn tới sự thành công nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng là gì?”, Giáo sư Sheena Iyengar cho rằng, đó chính là sự nỗ lực tìm kiếm và thử nghiệm không ngừng. Giáo sư David L. Rogers thì cho biết, nhiều năm trước, ông nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ Steve Jobs và nhớ mãi lời khuyên ấy, đó là “Phải luôn nghĩ lớn, hướng tới sự đổi mới sáng tạo và vượt ra khuôn khổ”.
Đặt câu hỏi về cách thức thay đổi nội tại một doanh nghiệp, Giáo sư David L. Rogers cho rằng, trước hết phải tạo ra môi trường cho tất cả các nhân viên phát triển. Các ý tưởng của người lãnh đạo cần được đơn giản hóa, gắn với mục tiêu cụ thể và đảm bảo mọi nhân sự đều hiểu được để triển khai. GS Sheena Iyengar thì cho rằng, cần phải đặc biệt tập trung vào các lựa chọn thực sự quan trọng để thực hiện.
Để đổi mới sáng tạo hiệu quả, GS Iyengar khuyên doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng, dành thời gian để hiểu và chọn ưu tiên thay đổi. Bên cạnh đó, cần thống nhất mục tiêu và hành động, bởi chỉ khi có sức mạnh tổ chức mới có thể đạt được mục tiêu lớn. Các nỗ lực đổi mới sáng tạo cần hướng tới người dùng cuối cùng, đó chính là khách hàng. Khách hàng sẽ kiểm chứng lại tính hợp lý và hiệu quả của cả chuỗi nỗ lực đổi mới sáng tạo.
Trả lời câu hỏi làm thế nào để có thể xây dựng được “ADN đổi mới sáng tạo”, Giáo sư Sheena Iyengar cho rằng, trước hết cần kiến tạo văn hoá đổi mới sáng tạo, lan tỏa và phát triển văn hóa này để nằm sâu trong gen của mỗi nhân viên, trong đó vai trò dẫn đầu của các lãnh đạo đứng đầu là đặc biệt quan trọng.
Giáo sư Rogers giải thích thêm, mỗi tổ chức, doanh nghiệp có nhiều bộ phận khác nhau, do đó quan trọng là lãnh đạo cần phải đưa ra các mục tiêu cần đạt tới, những vấn đề doanh nghiệp cần phải giải quyết. “Mục tiêu rõ ràng sẽ tạo ra định hướng chung để tất cả các thành viên của tổ chức, doanh nghiệp đi theo, đồng thời cùng chung tay giải quyết các thách thức khi nó xuất hiện”, ông nói. Từ trải nghiệm thực tế và nền tảng tri thức hàng đầu, các diễn giả khuyên doanh nghiệp Việt Nam hãy nghĩ lớn, mạnh dạn và kiên trì theo đuổi chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cánh cửa thành công sẽ mở ra.
Hội thảo quốc tế Digitalize to Revolutionize đưa các chuyên gia hàng đầu quốc tế về Việt Nam
Ông David L. Rogers là chuyên gia chuyển đổi số với kinh nghiệm tư vấn chiến lược cấp cao cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, CitiGroup, Visa, HSBC, Unilever, Toyota và nhiều tổ chức uy tín khác. Cuốn sách “The Digital Transformation Playbook” (Chiến lược chuyển đổi số) của tác giả David L. Rogers đã được xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một trong những cuốn sách đáng đọc nhất về thực tế triển khai chuyển đổi số.
Bà Sheena Iyengar, Giáo sư từ Columbia Business School là chuyên gia hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và nghệ thuật lựa chọn. Được trích dẫn trên nhiều đơn vị báo chí uy tín hàng đầu thế giới như The New York Times, The Wall Street Journal, Fortune và tạp chí Times, BBC, những nghiên cứu của bà đã được đón nhận và áp dụng tại nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Microsoft, Deloitte.
Ông Paul J. Bailo là thiên tài trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm, nhà cố vấn cao cấp cho các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ như Apple, AT&T, Bank of America, Goldman Sachs, Mastercard, General Motors. Với kinh nghiệm chuyên sâu về chuyển đổi số, marketing số, vận hành doanh nghiệp số, thiết kế trải nghiệm số, Paul J. Bailo đã thành công thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số phức tạp, nhiều thử thách.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế (link)
Xem thêm tin mới và bổ ích tại:
– Kiến thức gia đình
– Tri thức đời sống
– Kênh youtube Kiến thức gia đình