Nguyễn Ngọc Thảo khoe với bạn bè đã xin e-visa thành công vào 20h ngày 13/9, trước thời gian Đài Loan thay đổi chính sách vài tiếng.
“Tôi làm trong ngành du lịch nên sớm nhận được thông tin về việc sau 10h ngày 14/9 khách Việt không thể xin nhập cảnh Đài Loan bằng visa Hàn và Nhật”, Thảo nói. Sau khi biết tin Thảo đã xin e-visa Đài ngay trong ngày 13/9 và được chấp thuận. “Thật vui vì kế hoạch đi ngắm lá vàng lá đỏ của tôi ở Đài Bắc không bị thay đổi”, cô nói.
Nguyễn Thành Nam, 36 tuổi, sống tại Hưng Yên không may mắn như vậy. Tối 13/9, sau khi nghe tin anh vội lên mạng đăng ký. Sau 5 lần khai thất bại bằng cả visa Hàn và Nhật, Nam đành chấp nhận bỏ thêm công sức và thời gian, tiền bạc để đi nộp hồ sơ xin visa giấy. Kế hoạch du lịch Đài Loan của Nam có thể bị đảo lộn do anh đã đặt sẵn khách sạn, vé máy bay. Nam cho rằng anh bị từ chối có thể do tên “trùng với một ai đó trong danh sách đen”.
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM chiều 13/9 thông báo từ 10h sáng 14/9, người Việt Nam dùng visa Hàn Quốc và Nhật Bản để xin e-visa nhập cảnh Đài Loan không được chấp nhận khi đăng ký trên hệ thống xét duyệt qua mạng. Các visa được cấp trước ngày 14/9 theo hình thức này vẫn sử dụng bình thường.
Phan Tấn Phát, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đài Loan kiêm người sáng lập trang tư vấn du lịch Ăn chơi Đài Loan với hơn 120.000 lượt theo dõi, cho biết ngay sau khi biết tin về quy định mới anh đã khuyến khích mọi người “xin ngay e-visa”.
Phát cho biết việc khai thông tin trên hệ thống chỉ mất chưa tới 10 phút và biết luôn kết quả đậu hay trượt. Nếu không được phê duyệt, website sẽ đưa ra thông báo nên liên hệ với Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECO) tại Việt Nam để được hỗ trợ. Các trường hợp không được phê duyệt đa phần bị trùng tên trong “danh sách đen” hoặc không đáp ứng đủ tiêu chuẩn nộp e-visa.
Quy định mới khiến nhiều du khách Việt xin e-visa thành công vào thời điểm “giáp ranh” – trước 10h ngày 14/9 – băn khoăn những e-visa này liệu có được chấp nhận nhập cảnh Đài Loan.
Phát nói trong thông báo trên trang web của TECO ngày 13 và 14/9 có một thay đổi nhỏ. Ngày 13/9 thông báo ghi: “Những người đã nộp đơn xin phê duyệt trước ngày 14 /9 (bao gồm) vẫn có thể nhập cảnh”. Nhưng đến ngày 14/9, thông báo bỏ đi từ “bao gồm”. Phát cho rằng từ “bao gồm” ở đây là tính cả thời gian xin e-visa trong ngày 14/9. Khi TECO bỏ chữ đó đi đồng nghĩa với việc chỉ những e-visa được cấp trong ngày 13/9 trở về trước mới có thể nhập cảnh.
Theo khảo sát từ VnExpress, du khách khi gọi điện lên số hotline của TECO tại Hà Nội hỏi về vấn đề này đã được trả lời: “Các e-visa cấp cho khách Việt khi dùng visa Hàn, Nhật để xin từ ngày 14/9 sẽ không sử dụng được”.
Một nguồn tin từ Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đài Loan nói thêm việc được cấp e-visa không có nghĩa khách chắc chắn 100% có thể nhập cảnh. Trong tờ visa có mục ghi rõ “không đảm bảo đương sự được nhập cảnh thành công dù có visa nếu hải quan nghi ngờ người khai báo”.
Cũng giống như nhiều khách Việt khác, Nam thấy “thất vọng” trước chính sách visa mới bởi lý do chính Nam đi Đài Loan nhiều lần là xin e-visa dễ.
Tuy nhiên, Phan Tấn Phát cho rằng khách Việt đi tự túc có thể bất tiện hơn vì quy định siết chặt hơn “nhưng không có nghĩa không thể đi du lịch Đài Loan”. Anh gợi ý nên dùng các visa khác như Schengen, Anh, Mỹ, New Zealand để xin e-visa Đài Loan. Nếu không có các visa này, khách Việt đi tự túc có thể xin visa giấy hoặc mua tour từ các công ty du lịch để hưởng chính sách visa Quan Hồng, loại e-visa cấp cho các đoàn khách từ 5 người trở lên của công ty du lịch Việt nằm trong danh sách được Cục Du lịch Đài Loan chỉ định.
Đài Loan là một trong những điểm đến được yêu thích của du khách Việt vì thời gian bay ngắn, nhiều chuyến bay thẳng, giá rẻ. Theo số liệu từ Statista, Việt Nam là thị trường gửi khách đông nhất đến Đài Loan trong năm 2022, với gần 135.000 lượt trên tổng số 900.000 lượt khách quốc tế tới thăm hòn đảo.
“Đài Loan cảnh đẹp, người dân thân thiện, đồ ăn ngon, xứng đáng để bạn nên đến một lần trong đời”, Phát nói.
Phương Anh
Nguồn: Vnexpress
Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:
– Kiến thức gia đình
– Tri thức đời sống
– Cẩm nang sức khỏe
– Kênh youtube Kiến thức gia đình