Trước những tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, việc phát triển bền vững cùng với bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng phát triển đặc trưng của các quốc gia trên thế giới. Trong mối liên kết đặc thù giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ngân hàng đóng vai trò như một mắt xích trung gian, tác động gián tiếp đến môi trường thông qua hoạt động của khách hàng.
Theo đó, việc kiểm soát chất lượng danh mục các khoản vay không những giúp ngân hàng giảm thiểu một cách tối đa tổn thất có thể xảy ra, mà còn gia tăng giá trị sinh lời cũng như uy tín cho ngân hàng. Cụ thể, một trong những trách nhiệm của ngân hàng là tích cực và chủ động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong điều hành hoạt động nội bộ, đồng thời chủ động tìm kiếm và khai thác những sản phẩm và cơ hội kinh doanh thân thiện với môi trường.
Trong đó, tín dụng xanh là những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất – kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Với mục đích hướng tới các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, các sản phẩm tín dụng xanh góp phần đem lại những lợi ích to lớn về phát triển nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Vì vậy, phát triển dòng tín dụng xanh là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo. Với các tiêu chuẩn này, các định chế tài chính này mong muốn đảm bảo các dự án họ tài trợ, tư vấn, sẽ được triển khai có trách nhiệm đối với xã hội, quản lý môi trường bền vững, đồng thời vẫn mang lại những kết quả kinh tế tích cực.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã triển khai tín dụng thông qua ngân hàng xanh ở các nước hoặc các quỹ phát triển xanh, hướng đến 2 đối tượng khách hàng là khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Tín dụng xanh thường trọng tâm hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.
Tại châu Âu, tín dụng ngân hàng xanh cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều tập trung vào việc tài trợ cho lĩnh vực xây dựng như xây dựng ngôi nhà tiết kiệm điện (Đức, Ba Lan); nâng cấp, mua mới các thiết bị tiết kiệm năng lượng trong gia đình (Đức, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) và sản xuất năng lượng sạch (Đức)…
Một số các quốc gia châu Á triển khai các chương trình tín dụng ngân hàng xanh đối với khách hàng doanh nghiệp. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, nước này tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, dự án tiết kiệm năng lượng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh giữa các tổ chức tài chính ngân hàng các ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại (NHTM), ngân hàng hợp tác xã nông thôn và liên hiệp tín dụng nông thôn.
Khu vực ASEAN là một trong những nơi tích cực khi triển khai các dự án dựa trên tài chính xanh. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì khu vực này có một số các nền kinh tế và thị trường mới nổi quan trọng trên thế giới và nó đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã dẫn đến sự phát triển và tăng trưởng.
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ASEAN sẽ cần 3,1 nghìn tỷ USD (tương đương với 210 tỷ USD/năm) trong giai đoạn từ 2016-2030 để đầu tư cho cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, từ 2016-2020, các nước trong khu vực còn thiếu khoảng 102 tỷ USD/năm cho mục tiêu này. Do đó, việc huy động, kết hợp các nguồn tài chính đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phục hồi của Đông Nam Á sau Covid-19 trong bối cảnh thiếu hụt về tài chính cho cơ sở hạ tầng ngày càng trầm trọng, với mức hơn 60% ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.
Là một trong những quốc gia thuộc nhóm tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, vì vậy phát triển tài chính xanh là mục tiêu tất yếu của Việt Nam trong những nỗ lực để đạt được mục tiêu trên.
Để thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có hiệu lực từ ngày 01/6/2023).
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018 – 2019, NHNN đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế. Đây được xem là cẩm nang giúp các TCTD nhận diện và chủ động quản lí các rủi ro môi trường – xã hội có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án được cấp tín dụng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó giúp các TCTD giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.
NHNN cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan được giao đầu mối xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm tạo cơ chế, hành lang pháp lí rõ ràng, thuận lợi để triển khai các công cụ kinh tế hỗ trợ tăng trưởng xanh quốc gia, bao gồm hoạt động tài trợ xanh của các TCTD.
Với những định hướng, chỉ đạo từ Chính Phủ và NHNN, sự nỗ lực của các TCTD, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao.
Theo số liệu của NHNN, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế với 43 tổ chức tín dụng tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh.
Một số NHTM tại Việt Nam có tỉ trọng tín dụng xanh cao như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), NHTM cổ phần Tiên Phong (TPBank), NHTM cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NHTM cổ phần Nam Á (Nam A Bank), NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank).
Kết quả khảo sát của NHNN đối với các TCTD về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh cũng cho thấy sự hiểu biết của các TCTD đã được cải thiện đáng kể. Nhiều TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững, được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs (là đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu), một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris.
Với những thành tựu trên, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ hai các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020 – 2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững.
Theo báo cáo Ngân hàng bền vững của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Singapore (World Wide Fund for Nature – WWF Singapore) 2022, BIDV nằm trong top 2 ngân hàng phát triển bền vững tại Việt Nam.
Là ngân hàng có quy mô tín dụng lớn bậc nhất hệ thống, BIDV luôn có tầm nhìn chiến lược rõ ràng về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Ngân hàng này luôn tiên phong triển khai các gói “tín dụng xanh”, dành tỷ trọng tương xứng để tài trợ cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, ngăn chặn biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.
Từ năm 2018, BIDV đã dừng xem xét tài trợ cho các dự án nhiệt điện than; các dự án có tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường và tăng quy mô tín dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đưa tăng trưởng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh thành một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh doanh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030 của ngân hàng.
Trong hoạt động tín dụng xanh, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố Khung khoản vay bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng tài trợ cho khách hàng lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp. Đồng thời, BIDV đã ban hành quy định về Khung quản lý rủi ro môi trường và xã hội để đánh giá tác động của các dự án đến môi trường, xã hội trong quá trình thẩm định các khoản vay.
Nhằm huy động nguồn vốn có giá vốn hợp lý tài trợ cho các dự án xanh bền vững tại Việt Nam, BIDV tiên phong ban hành Khung trái phiếu xanh theo tư vấn của GIZ. Khung trái phiếu xanh của BIDV được Tổ chức Đánh giá Tín nhiệm Moody’s đánh giá rất cao với mức xếp hạng SQS2 (very good – rất tốt), mức cao thứ hai trong tổng năm bậc xếp hạng.
“BIDV đã xây dựng khung trái phiếu xanh chính thức bao gồm bốn trụ cột tuân thủ Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), đồng thời thể hiện những đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững”, đại diện Moody’s nhấn mạnh.
Mới đây, BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước. Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phù hợp với Khung trái phiếu xanh của BIDV.
Đối với mục tiêu khuyến khích tăng trưởng dư nợ tín dụng bán lẻ trong lĩnh vực xanh, hướng tới phát triển tín dụng bán lẻ bền vững, BIDV đã ban hành Gói tín dụng ngắn hạn 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực xanh: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, cung ứng thực phẩm an toàn… đáp ứng các chứng chỉ về an toàn, bảo vệ môi trường như VIETGAP, GLOBALGAP, BAP, ISO 22000, HACCP, GMP, SQF… đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm, chính sách mới hướng đến tín dụng xanh như xe điện, công trình xanh… đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng bền vững.
Việc triển khai đồng bộ hệ sinh thái sản phẩm xanh đã giúp BIDV đạt được những kết quả khả quan. Đến hết Quý 2/2023, BIDV duy trì vị trí dẫn đầu thị trường về tài trợ lĩnh vực xanh với tổng số 1.776 dự án/phương án, với dư nợ đạt 66.176 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng của BIDV và khoảng và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế (Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM). Với kinh nghiệm và năng lực hàng đầu trong tiếp nhận và triển khai các dự án triển bền vững từ các định chế tài chính quốc tế, dự kiến dư nợ tín dụng cho các dự án xanh của BIDV sẽ đạt mức 3 tỷ USD vào năm 2025.
Về hoạt động huy động vốn xanh, kể từ khi triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đến nay BIDV là đối tác truyền thống hơn 30 năm của các tổ chức tài chính như WB, ADB, JICA, JBIC… và hiện là ngân hàng có thị phần lớn bậc nhất (21%) trong huy động nguồn vốn ODA, các nguồn vốn ủy thác quốc tế. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Việt Nam sẽ cần bổ sung đầu tư khoảng 368 tỷ USD cho các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2022 – 2040, vì vậy, thông qua việc BIDV tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững sẽ góp phần hỗ trợ, thu hút nguồn vốn xanh và bền vững về Việt Nam.
Với tầm nhìn đến 2030 trở thành “định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt bậc nhất Việt Nam”, BIDV chú trọng tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện trên mọi mặt hoạt động, ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong khuôn khổ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, các dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ nhằm xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm ngân hàng xanh như: “Gửi tiết kiệm xanh, cuộc sống trong lành”; “Khoản vay xanh cho doanh nghiệp Dệt may”; Gói sản phẩm tín dụng và bảo hiểm “Vững bước cho cuộc sống xanh” dành cho khách hàng cá nhân; “Chào hè Xanh cùng thẻ BIDV”; Sản phẩm “Hành trình xanh cùng BIDV” nhằm gia tăng số lượng khách hàng nhận sao kê qua email và không nhận sao kê giấy…
Trên hành trình “Xanh hóa” bảng cân đối tài sản của mình, với bề dày kinh nghiệm hàng đầu về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, BIDV đã tiên phong chủ động phối hợp, tham gia cùng các Bộ ngành tạo lập, chủ trì các diễn đàn, hội thảo khoa học nhằm lan tỏa và nhấn mạnh thông điệp – BIDV sẵn sàng trở thành đối tác đồng hành với các Tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện chiến dịch chuyển dịch năng lượng toàn cầu và thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia.
Đặc biệt, BIDV luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng có thể tiếp cận với các sản phẩm, nguồn vốn tài chính bền vững; sẵn sàng cung cấp thông tin hỗ trợ và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và tiềm năng của việc chuyển dịch hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững.
Đồng thời, BIDV sẵn sàng là cầu nối trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, tổ chức tài chính trong nước, quốc tế với các doanh nghiệp. Sự kết nối hiệu quả sẽ mở ra cơ hội hợp tác trong đầu tư, tài trợ dự án xanh, chuyển giao công nghệ… góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam.
“Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, BIDV luôn xác định trách nhiệm là đơn vị tiên phong trong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia. Tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của BIDV”, Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV nhấn mạnh.
Hương Xuân
Nguồn: Nhịp sống kinh tế (link)
Xem thêm tin mới và bổ ích tại:
– Kiến thức gia đình
– Tri thức đời sống
– Kênh youtube Kiến thức gia đình