Phật độ (Phần 2)

Một câu hỏi chi tiết: Tại sao kẻ có người không có pháp duyên gặp Phật để cầu xin hóa độ? Pháp duyên là gì? Từ đâu mà có? Pháp duyên là thứ tự dưng Phật cho may ai người ấy được hay là thứ chúng sinh tự kiến tạo nên?

Phật độ còn được dẫn giải là Phật truyền cho kẻ cầu xin một nguồn năng lực, một nguồn sinh lực thanh tịnh để sống cuộc đời an lạc ở ngay cõi thế gian ta bà này. Nguồn sinh lực quý báu này gọi là Phật lực, gồm có năm thứ nên cũng gọi là ngũ lực: Tín lực, niệm lực, tinh tấn lực, định lực và tuệ lực. Gọi là truyền Phật lực cho người cầu xin, Phật lực có phải là thứ chỉ có Phật mới có, người cầu xin chưa hề có ? Xin thưa: Nguồn lực này ở chúng sinh ai cũng có sẵn nhưng ở dạng tiềm ẩn, chỉ là tiềm lực chưa cung ứng đủ khả năng để giúp cho chúng sinh giác ngộ. Nguồn tiềm lực ai cũng có này gọi là thiện căn, gồm có năm thứ nên cũng gọi là ngũ căn tương ứng với ngũ lực: Tín căn, niệm căn, tinh tấn căn, định căn và tuệ căn. Thiện căn gọi nôm na là căn lành, căn tu. Thông thường còn gọi là lương tâm, tính trời, tính thiện, lòng lành. Đến khi hành giả thông suốt sáng tỏ được ý Phật trong lời kinh, nguồn tìm ẩn này mới bừng sáng trở nên Phật lực hội đủ khả năng giúp cho hành giả khai ngộ.

Nguồn tiềm lực chúng sinh có sẵn ví như bóng đèn, ơn Phật độ ví như điện lực. Tiếp nhận điện lực thì bóng đèn mới sáng, cường độ điện yếu tiếp nhận ít thì bóng đèn sáng mờ mờ, cường độ điện mạnh tiếp nhận đầy đủ thì bóng đèn sáng tỏ. Không có điện thì bóng đèn không sáng dù là bóng đèn thuộc loại tốt, đây là trường hợp chúng sinh bạc phước không có duyên may gặp Phật để cầu xin hóa độ, ngôn từ Phật học gọi là phước duyên hay pháp duyên. Bóng đèn có sẵn là Phật tính chúng sinh ai cũng có, vì thế mới nói là chúng sinh là Phật sẽ thành. Hơi điện lực là cái lý Phật dạy trong lời kinh. Bóng đèn sáng nhờ hơi điện lực truyền cho là trường hợp chúng sinh có pháp duyên gặp được Phật để cầu xin truyền điện. Phật là chúng sinh đã thành ví như bóng đèn đã được truyền điện đang sáng. Phật và chúng sinh giống nhau cũng là bóng đèn, chỉ khác nhau bên sáng bên chưa sáng. Lý bình đẳng trong Phật pháp được dẫn giải theo lập luận minh giải như vậy. Và cũng do lập luận này mới có câu tu để thành Phật.

Phật độ (Phần 1)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một câu hỏi chi tiết: Tại sao kẻ có người không có pháp duyên gặp Phật để cầu xin hóa độ? Pháp duyên là gì? Từ đâu mà có? Pháp duyên là thứ tự dưng Phật cho may ai người ấy được hay là thứ chúng sinh tự kiến tạo nên?

Giải đáp câu hỏi này là nói đến lý nhân duyên nghiệp báo, thường nói gọn là lý nhân quả hay lý duyên nghiệp, đồng thời cũng để trả lời câu hỏi tại sao Phật độ người này không độ người kia ? Pháp duyên ở kiếp này đưa đến cơ hội gặp Phật để có điều kiện cầu xin cứu độ là quả nghiệp do chính hành giả đã gieo nhân lành từ nhiều kiếp trước. Gieo nhân lành từ nhiều kiếp trước thì có pháp duyên ở kiếp này. Không gieo nhân lành lại gieo nhân chẳng lành từ nhiều kiếp trước thì không có pháp duyên, không gặp được Phật ở kiếp này. Như vậy, pháp duyên là quả nghiệp do chính hành giả kiến tạo nên, không phải là thứ Phật tự dưng cho may ai người ấy được. Phật không độ tức là không có pháp duyên, nguyên do ở chính hành giả tạo nghiệp chẳng lành, không phải tại Phật hẹp lượng từ bi hay bất lực trong việccứu độ chúng sanh.

Pháp duyên là gặp được Phật, thế nào là gặp được Phật ? Vào chùa nhìn thấy tượng Phật hay mua hình Phật treo ở nhà đã là gặp Phật hay chưa ? Hay phải lễ Phật và cúng dường Tam bảo mới là gặp Phật ? Làm thế nào để biết được mình đã gặp Phật hay chưa ? Không biết thì làm sao mà xin Phật độ ? Xin thưa: Phật không có ở tượng hay ở hình Phật mà ở ngay trong tâm mình như thường nói Phật tại tâm. Lễ Phật mà không biết đến tâm Phật, cúng dường Tam bảo mà không biết Tam bảo là gì, có diệu dụng ra sao thì chưa gọi được là đã gặp Phật. Chỉ khi nào nhìn thấy tâm Phật, trong lòng khởi dậy một niềm tin, tin ở Phật từ bi, sáng suốt và toàn năng, nghĩa là bắt đầu tiếp nhận tín lực do Phật truyền cho, chỉ từ khi đó mới gọi là đã gặp Phật. Trường hợp chăm đi chùa lễ Phật, làm công quả cúng dường Tam bảo mà chưa có niềm tin là chưa gặp Phật, chưa có Pháp duyên ở kiếp này.Bắt đầu có niềm tin coi như đã gặp Phật lần thứ nhất, đã được độ một phần. Muốn tự xét mình để biết được Phật đã độ mình ít hay nhiều, có liên tục hay gián đoạn, đã đủ mức để cho mình tỏ ngộ chánh pháp hay chưa, hành giả hãy theo dõi nguồn Phật lực mình đã tiếp nhận, nói cách khác là theo dõi công phu tu tập hành trì của chính mình. Tu tập nhiều thì chứng nghiệm nhiều, từ đó lý giải nhiều, rồi dẫn đến giác ngộ nhiều. Nói ngắn gọn là theo dõi tiến trình tu chứng giải ngộ do chính mình thực hiện, hành giả biết được tầm mức Phật độ cho mình, tầm mức Phật lực mình đã tiếp nhận căn cứ vào sự thông suốt ý Phật, lời Phật dạy trong kinh.

Phật lực gồm năm thứ nên gọi là ngũ lực: Tín lực, niệm lực, tinh tấn lực, định lực và tuệ lực. Hiệu năng của mỗi lực có phần khác nhau: Tín lực làm cho có niềm tin Tam bảo để hành giả phát tâm tu đạo. Phật lực đầu tiên này mới nghe chưa thấy rõ, suy ngẫm kỹ mới thấy tầm quan trọng có giá trị thực nghiệm. Kẻ bộ hành muốn đi từ A đến B trước tiên phải nhấc chân cất bước, nếu chỉ đứng yên ở điểm A thì không có vấn đề đi bộ nữa. Người tu đạo không khởi tín thì chăm đi chùa lễ Phật để làm gì ? Hỏi tức là trả lời rồi. Niệm lực kế tiếp làm cho hành giả thường xuyên cảm thấy ân Phật đang soi sáng mở đường chỉ lối cho mình đến giác ngộ. Tinh tấn lực làm cho hành giả có khả năng vượt mọi khó khăn, không lúc nào bê trễ trên đường tu đạo. Định lực làm cho hành giả thấy rõ niềm an lạc đang nhằm tiến tới, thấy rõ cảnh Tịnh Độ, nhờ đó không bao giờ thay đổi mục tiêu tu đạo. Tuệ lực làm cho hành giả sáng tỏ thông suốt mọi lý sự, đâu là chánh đâu là tà, tránh được mọi mê lầm sai lạc.Sự liệt kê năm lực nhằm nói rõ tác dụng khác nhau của năm yếu tố cấu tạo thành Phật lực. Cả năm lực đều có tác dụng chung, ảnh hưởng hỗ tương bổ sung cho nhau, không có thứ nào đứng riêng lẻ một mình. Nói cách khác, đã được Phật độ là được cả năm lực, không thiếu riêng một lực nào. Tuy nhiên, sự tiếp nhận Phật lực của mỗi hành giả lại khác nhau, cùng tiếp nhận đủ năm thứ nhưng người này nhiều lực này, kẻ kia lại nhiều lực khác. Sự tỷ lệ không đồng đều này do căn cơ của mỗi hành giả khác nhau hạ căn, trung căn và thượng căn. Vì vậy thường nghe nói hai lối tu, tu phước và tu huệ. Tu phước là trường hợp người hạ căn và trung căn tiếp nhận nhiều tín lực, niệm lực và tinh tấn lực, tiếp nhận ít định lực và tuệ lực. Tu huệ là trường hợp người thượng căn tiếp nhận hai lực sau nhiều hơn ba lực trước. Tu phước phát khởi và tăng trưởng hai tâm bi và dũng trước tâm trí. Tu huệ phát phởi và tăng trưởng tâm trí trước hai tâm bi và dũng. Cả hai lối tu phước và tu huệ đến lúc viên thành đạo quả thì cả ba tâm bi trí dũng đồng đều như nhau. Thấu rõ Phật lực như vậy, người thấy mình hạ căn đừng chán nản vì lo rằng mình không đủ khả năng đạt đạo, người thấy mình thượng căn chớ vội cho là mình dư sức đạt đạo rồi sinh kiêu mạn, mắc kẹt trong sở tri chướng không vượt thoát ra được.

Sự kiện Phật độ ví như đài phát thanh phát sóng, hành giả tiếp nhận ví như máy thu thanh. Sự phát sóng luôn luôn bình đẳng đồng đều, không thiên vị máy thu thanh nào trong khu vực phát sóng. Máy thu thanh loại tốt thì nghe rõ hơn, giống như người thượng căn. Máy thu thanh loại thường nghe không rõ bằng thứ loại tốt. Sự nghe rõ nhiều rõ ít là tùy từng loại máy thu thanh, không phải đài phát sóng thiên vị. Biết mình thuộc loại máy thu thanh nào tức là rõ căn cơ của mình, căn cơ là quả nghiệp gieo nhân từ nhiều kiếp trước, kiếp này tỏ rõ được là mừng rồi, không nên phàn nàn so bì thượng với hạ vì nhân đã gieo tất là hái quả. Điều đáng quan tâm đối với hành giả ở kiếp này cần phải ghi tâm khắc cốt, đó là niềm tin bất biến: Tâm Phật từ bi cứu độ chúng sinh vô lượng vô biên, không lúc nào ngừng nghỉ, giống như đài phát thanh luôn luôn phát sóng hằng ngày 24 trên 24 giờ quanh năm suốt tháng. Người tu tại gia hãy tự hỏi mỗi ngày có dành thì giờ mở đài ra nghe hay không và nghe được bao lâu?

Tự trả lời là hiểu được hai chữ PHẬT ĐỘ.



Nguồn: Phật Giáo Việt Nam

Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:

– Kiến thức gia đình

– Tri thức đời sống

– Cẩm nang sức khỏe

– Kênh youtube Kiến thức gia đình