Thấy gì từ bức tranh biến động nhân sự của nhóm doanh nghiệp BĐS niêm yết?

Bão sa thải càn quét Đất Xanh, Vingroup tích cực tuyển quân

Từ đầu năm 2022, những động thái siết chặt các kênh huy động vốn và một số sự kiện bên lề đã báo hiệu một năm không mấy lạc quan với thị trường bất động sản.

Bước sang quý II, một không khí ảm đạm và trầm lắng bắt đầu bao trùm thị trường với những giao dịch nhỏ giọt. Để kéo thanh khoản kẹt cứng, nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận chiết khấu sâu các sản phẩm…

Những yếu tố nói trên đã khiến sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp bất động sản đi xuống thấy rõ. Trong bối cảnh đó, không ít doanh nghiệp đã đồng loạt giảm lương, cắt giảm nhân sự để duy trì sự tồn tại.

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) là đơn vị ghi nhận lượng nhân sự giảm sâu nhất trong số các doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Tính đến 31/12/2022, tổng số nhân sự của Đất Xanh là 3.773 người, trong khi thời điểm 1/1/2022 là 6.433 người, giảm hơn 41%.

Mặc dù vậy, quỹ lương của Đất Xanh vẫn không có dấu hiệu giảm: Chi phí lương cho nhân viên trong công ty là 460 tỷ đồng, tăng 18%; chi phí lương cho môi giới bán hàng tăng 20% lên 420 tỷ đồng. Nợ phải trả người lao động là 121 tỷ đồng. Quỹ khen thưởng, phúc lợi phải trả cũng tăng 46% so với đầu năm, lên 137 tỷ đồng.

Năm 2022, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, Mã: NVL) đã cắt giảm hơn 360 nhân sự, từ 1.765 nhân viên xuống còn 1.404 người. Con số này giảm 21% so với đầu năm và giảm 27% so với cuối tháng 6/2022.

Một doanh nghiệp trong hệ sinh thái TNG Holdings là CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings (Mã: TN1), có gần 170 nhân sự đã rời đi trong năm qua.

Vài doanh nghiệp khác biến động giảm nhân sự có thể kể đến là CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã chứng khoán: TDC); CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) hay CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã chứng khoán: TDH).

Còn lại, những cái tên như Kosy, Hải Phát, Hoàng Quân… dù có động thái cắt giảm nhân sự, song con số là không đáng kể.

Đồ hoạ và tổng hợp: Khánh Thiện.

Ở chiều ngược lại, không ít ông lớn bất động sản lại tích cực “tuyển quân” bất chấp bối cảnh thị trường khó khăn.

Trong năm 2022, CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) và CTCP Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) – 2 công ty con của Tập đoàn Vingroup đã bổ sung mới gần 6.000 nhân sự.

Cụ thể, số lượng nhân viên của Vinhomes và các công ty con tại ngày 31/12/2022 là 13.191 người, tăng 5.515 người so với đầu năm. Còn lượng nhân viên của Vincom Retail tăng từ 2.009 người lên 2.364 người. Nhân sự tăng mạnh, song cả Vinhomes và Vincom đều không nợ lương người lao động.

Tại CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG), lượng nhân sự tăng 12% so với đầu năm lên 864 người. Còn CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) đã có thêm 112 người lao động tìm về đầu quân.

Trong khi đó, lượng nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp như Kinh Bắc, Sonadezi Châu Đức, Sonadezi Long Bình dù ít nhưng đều có sự gia tăng…

Năm đáng quên với nghề môi giới

Những thống kê nói trên chưa thể phản ánh đầy đủ về thị trường bất động sản trong năm qua. Tuy nhiên, dễ thấy ngành môi giới là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến quý III/2022 cả nước có hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản hoạt động. Lượng giao dịch giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch giảm, số lượng môi giới cũng giảm theo.

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – BĐS Dat Xanh Services (FERI) đã chỉ ra, 10 tháng đầu năm 2022, có gần 2.300 doanh nghiệp môi giới tạm dừng kinh doanh có thời hạn và gần 1.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thế, lần lượt tăng 52,8% và 42% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm nhân sự.

Trao đổi với báo chí vào tháng 12/2022, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết theo thống kê sơ bộ từ các sàn và đơn vị môi giới tự do thì có đến hơn 100.000 môi giới mất việc hoặc phải kết hợp làm công việc khác.

Nhìn sang trường hợp của Vincom, việc gia tăng nhân sự phần nào cho thấy phân khúc bất động sản cho thuê bán lẻ đang dần khởi sắc kể từ sau Covid-19.

Theo báo cáo của VARS, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ năm 2022 tăng so với năm 2021, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thương mại và siêu thị lớn vượt mức 90%. Trong bối cảnh đó, Vincom Retail đã khai trương 3 trung tâm thương mại là Vinhomes Smart City và Vincom Plaza Mỹ Tho, Bạc Liêu với tỷ lệ lấp đầy 98%.

Đối với bất động sản công nghiệp, có thể thấy phân khúc này vẫn giữ được sự ổn định bền vững kể từ thời điểm dịch bệnh

Nhiều khó khăn chờ đợi doanh nghiệp BĐS

Tại báo cáo triển vọng ngành bất động sản vừa công bố, FiinRatings nhận định ngành bất động sản sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi từ việc thắt chặt các kênh huy động vốn chính trong nửa đầu năm 2023.

Việc thắt chặt tín dụng như vậy không chỉ làm giảm nguồn vốn vay của chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng cả đến nguồn vốn trả trước của khách hàng do người mua khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng nên sẽ trì hoãn việc mua nhà hoặc tìm đến kênh đầu tư khác. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ khó huy động được nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án hoặc không thể tái đầu tư để phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, chi phí tài chính cao hơn trong khi doanh thu giảm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và vòng quay vốn của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải rút tiền từ hoạt động khác hoặc tạm dừng dự án để xoay sở dòng tiền trả nợ.



Nguồn: Nhịp sống doanh nghiệp (link)
Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:
Kiến thức gia đình
Tri thức đời sống
Cẩm nang sức khỏe

Trả lời