Pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc, cần phải đầy đủ ba điều kiện: Tín, Nguyện, Hạnh. Tín là chúng ta phải tin sâu, nguyện là phải thiết tha, hạnh là phải hành chuyên.
Đối với niềm tin là phải tin ở 6 điều: Tin tự, tin tha, tin nhân, tin quả, tin sự, tin lý.
1. Tin tự (tin ở nơi mình): tức là tin tất cả đều do ở nơi tâm của mình tạo ra cả “nhất thiết duy tâm tạo”. Vì thế, nếu mình niệm Phật ắt sẽ được Phật A Di Đà tiếp dẫn không sai.
2. Tin tha (tin ở nơi người): tức là tin Phật Thích Ca không bao giờ nói dối. Phật A Di Đà chẳng thệ nguyện suông. Như chúng ta thường biết, đức Phật chế giới răn dạy chúng ta là đừng nói dối thì làm sao mà Ngài nói dối chúng ta, đây là cái điều không có.
Kinh Dược Sư ghi: “Trăng sao còn có thể rơi, núi cao còn có thể mòn, biển sâu còn có thể cạn, nhưng lời đức Phật nói ra thì trăm nghìn muôn kiếp không sai chạy”.
Kinh Đại Tập có ghi: “Mãnh phong khả thuyết tác hệ phược, Tu di khả thuyết khẩu xuy động, bất khả thuyết Phật hữu nhị ngữ, thực ngữ như ngữ cập tịnh ngữ” (có thể bảo: buộc luồng gió mạnh thổi lung lay hòn núi Tu di, nhưng không thể bảo Phật nói trước sau khác nhau, bởi vì Phật bao giờ cũng nói toàn là sự thật, chân chính và trong sạch). Như vậy, chúng ta phải tin chắc Pháp môn Tịnh độ do đức Phật Thích Ca nói ra, tin chắc 48 lời nguyện của Phật A Di Đà là như đinh đóng cột, cho nên, nếu như y theo Pháp môn Tịnh độ mà hành trì tất sẽ cảm được đức Phật A Di Đà tiếp dẫn sinh về Cực lạc.
3. Tin nhân: tức là tin niệm Phật chính là nhân vãng sinh, giải thoát.
4. Tin quả: tức là tin sự vãng sinh và thành Phật là kết quả.
5. Tin sự: tức là tin cảnh giới Tây phương Cực lạc và tất cả các sự tướng ở nơi cõi ấy, đều là có thật.
6. Tin lý: tức là tin điều “lý tánh duy tâm” nghĩa là một tâm của mình bao trùm khắp cả mười phương quốc độ của chư Phật.
Để phát khởi tín tâm vững chắc đối với Pháp môn Tịnh độ, chúng tôi xin giới thiệu mười niềm tin trong cuốn Luận Tịnh Độ Chỉ Quy.
1. Tin Phật thuyết pháp.
2. Tin hàng phàm phu trong cõi mê, thần thức không bao giờ tiêu diệt.
3. Tin rằng nếu trong cõi này tu hành không đắc đạo quả thì không thể tránh khỏi luân hồi.
4. Tin rằng cho dù sinh lên cõi trời cũng không tránh khỏi bị đọa lạc (kinh Niết Bàn, quyển 38, đức Phật dạy: “Dầu ai có làm bậc Tứ Thiên Vương, lần lên bậc Tha Hóa Tự Tại Thiên, rồi khi mạng chung cũng có thể rơi vào loài súc sinh, mang lốt sư tử, cọp, beo, voi, ngựa…”.
5. Tin rằng chúng sinh đã về thế giới Cực lạc thì vĩnh viễn không còn thối chuyển. Kinh A Di Đà nói rằng: “Những người sinh về đó, đều là A-bệ-bạt-trí, bất thối chuyển, không còn bị rơi rớt nữa”.
6. Tin rằng chúng sinh phát nguyện sinh về thế giới Tịnh độ, thì chắc chắn sẽ vãng sinh.
7. Tin rằng chỉ cần xưng niệm một danh hiệu Phật thì sẽ tiêu diệt được trọng tội sinh tử trong 81 kiếp (kinh Niệm PhậtBa La Mật, đức Phật dạy: “Muốn vãng sinh Cực lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp thân, cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp thân Phật vậy. Vì sao người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm pháp tu nào khác? Vì ngay nơi danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên diệu dụng, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực không thể nghĩ bàn”.
8. Tin rằng người niệm Phật sẽ được Phật A Di Đà vận dụng thần thông chiếu sáng nhiếp thủ mà không hề xả bỏ.
Trong kinh Thập Vãng Sinh giảng rất rõ rằng: “Không những Phật A Di Đà dùng bản nguyện nhiếp thọ oai lực gia trì, mà Ngài thật sự từ bi đến cực điểm, còn phái 25 vị Bồ tát ngày đêm bảo hộ. Người niệm Phật là người ít có ở thế gian, người niệm Phật được mười phương tất cả chư Phật khen ngợi, hộ niệm, 25 vị Bồ tát ngày đêm hộ vệ, tuyệt không cho đó là lỗi”.
9. Tin rằng người niệm Phật có hằng hà sa chư Phật trong mười phương dùng thần thông hộ niệm người ấy (kinh A Di Đà, đức Phật dạy rằng: “Nhữ thị đẳng hằng hà sa số các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn, nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị xưng tán bất khả tư nghị công đức, nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”. Nghĩa là: còn nhiều Phật khác như cát sông Hằng, cũng như thế nữa, đều ở nước mình, và đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài, che khắp ba nghìn, đại thiên thế giới, nói lời thành thật, rằng chúng sinh ngươi, nên tin kinh này, là bản kinh: tán thán công đức, chẳng xiết nghĩ bàn, và được hết thảy chư Phật hộ niệm).
Khi đức Phật Thích Ca nói ra pháp môn này, sợ chúng sinh đời mạt pháp không tin (nan tín chi pháp) pháp khó tin. Cho nên chư Phật mười phương mới xuất tướng lưỡi rộng dài che khắp tam thiên đại thiên thế giới để cùng hộ niệm với lời nói của đức Phật Thích Ca. Các đức Phật mười phương nói rằng: “Này các chúng sinh ơi! Các ngươi phải tin đi, những lời đức Phật Thích Ca nói ra đều là sự thật, các ngươi nên tin chắc mà y giáo phụng hành”. Lúc này chúng sinh nghe vậy liền tin. Chúng tôi lấy ví dụ: khi tôi nói một điều gì cho một Phật tử, thì vị Phật tử này chưa chắc tin trọn vẹn lời nóicủa tôi, Phật tử này còn nghi ngờ rằng: Không biết ông thầy này nói đúng hay sai, Phật tử này cứ đắn đo hoài, lúc này có khoảng mười thầy đến nói rằng, này vị Phật tử, Phật tử nên tin lời nói của thầy đó đi, thầy ấy nói toàn sự thật, không bao giờ nói dối Phật tử đâu, lúc này người Phật tử mới tin chắc.
Chư Phật xuất tướng lưỡi rộng dài che khắp tam thiên đại thiên thế giới có nghĩa là gì? Tướng lưỡi rộng dài nhằm chỉ cho biết là chư Phật mười phương ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều là nói chân thật, không bao giờ nói dối. Chúng takhông nên hiểu sai “tướng lưỡi” là cái lưỡi bằng xương bằng thịt như của chúng ta đâu.
10. Tin rằng khi sinh về đó sẽ chứng quả Vô thượng Bồ-đề.Triệt Ngộ đại sư có bài kệ:
“Nhất cú Di Đà
Chứng tam bất thối
Chỉ thử nhất sinh Tiên bổ Phật vị”.
(Một câu Di Đà
Chứng tam bất thối
Chỉ trong một kiếp
Lên ngôi vị Phật).
Trong kinh A Di Đà dạy: “Những người vãng sinh về thế giới Cực lạc đều trở thành A-bệ-bạt-trí”. Chữ A-bệ-bạt-trí nguyên tiếng Phạn đọc là Avaivarti, chữ Hán là dịch bất thối (chẳng lui sụt). Có ba nghĩa:
– Vị bất thối: đã dự vào địa vị Tứ Thánh rồi, chẳng sa đọa xuống địa vị lục phàm nữa.
– Hạnh bất thối: đã tu hạnh Bồ tát thường hóa độ chúng sinh, chẳng sa đọa xuống địa vị Nhị thừa nữa.
– Niệm bất thối: tâm tâm, niệm niệm, giờ phút nào cũng như dòng nước chảy vào bể Tát-bà-nhã (bể Nhất thiết trí).
Theo Thiên Thai giáo thì khi tới Đệ nhất trụ mới đến ngôi vị bất thối, khi chứng Thập hồi hướng mới lên ngôi hạnh bất thối, và khi chứng ngôi Sơ địa Bồ tát mới đạt được niệm bất thối.
Theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa, thì khi trừ được tư hoặc và kiến hoặc mới lên ngôi vị bất thối; phá được trần sa hoặc mới lên ngôi hạnh bất thối; và trừ được vô minh hoặc mới lên ngôi niệm bất thối. Nghĩa là phải tu a-tăng-kỳ kiếp mới chứng được tam bất thối, nhưng đối với Pháp môn Tịnh độ, chỉ cần vãng sinh Cực lạc quốc là vĩnh viễn không bị thoái chuyển nữa và chắc chắn đạt được quả vị Phật.
Qua mười niềm tin trên đây, chúng ta phải tin chắc không có một ý nào mà ta không tin. Chỉ có tin thì chúng ta mới đạt được tất cả, bằng không thì chúng ta sẽ mất tất cả. Vì thế trong kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Lòng tin là mẹ đẻ các công đức, lòng tin hay nuôi lớn căn lành, lòng tin hay tựu quả Bồ-đề của Phật”.
Chúng ta có tin chắc là có cảnh giới Cực lạc không? Để trả lời câu hỏi này một cách chính xác, chúng tôi sẽ đưa ra một vài dẫn chứng, sự kiện để chứng minh.
Trước tiên, chúng tôi xin dẫn chứng kinh A Di Đà, đức Phật dạy: “Xá Lợi Phất! Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực lạc, kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp”, nghĩa là: Xá Lợi Phất ơi! Từ đây đi về bên Tây phương kia trải qua hết mười muôn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Cực lạc, cõi ấy có Phật hiệu A Di Đà, hiện đang thuyết pháp.
Qua đoạn kinh trên đây cũng đủ ý cho ta tin là có cảnh giới Cực lạc. Tại sao chúng ta tin? Tại vì cảnh giới Cực lạc chính đức Phật Thích Ca nói ra. Ngay tựa kinh cũng đủ cho chúng ta tin, “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” là Phật nói kinh A Di Đà.
Xin đơn cử một ví dụ: thời vua Tự Đức, có ông Nguyễn Trường Tộ qua Pháp để du học. Sau khi trở về nước kể lại những văn minh của nước Pháp như là: đèn treo ngược không có dầu cũng cháy, xe không người lái cũng chạy cho vua nghe, thì vua bác bỏ không tin, cho ông Nguyễn Trường Tộ là nói láo, vua tức giận đòi chém đầu.
Qua câu chuyện này cho ta thấy những lời ông Nguyễn Trường Tộ nói đều là sự thật, bởi vì ông đã trực tiếp sang Pháp về. Vì sao vua Tự Đức bác bỏ và không tin những văn minh của nước Pháp? Là vì vua chưa thấy cho nên không tin, nhưng thật sự là có nước Pháp có những điều đó. Cũng vậy, đức Phật của chúng ta cũng đã từng dạo chơi ở cõi Tây phương Cực lạc, thấy cõi Cực lạc rõ rõ ràng ràng, như thấy trái chanh trong lòng bàn tay. Cho nên, Ngài mới thuật lại cho chúng ta nghe. Vì thế mà chúng ta phải tin chắc là có cõi Cực lạc của Phật A Di Đà, một lòng niệm Phật cầu vãng sinh, thì có lợi vô cùng. Ấn Quang đại sư đã dạy rằng: “Nên để ý, đừng đem trí hiểu biết của phàm phu suy độ, nhận lầm rằng: bao nhiêu sự mầu lạ không thể nghĩ bàn ở Tây phương đều thuộc về ngụ ngôn để thí dụ cho tâm pháp, chớ không phải cảnh thật”. Nếu có sự hiểu biết lầm lạc ấy, tất sẽ mất điều lợi ích vãng sinh Tịnh độ, mối hại này lớn phải nên cẩn thận.
Tâm trí của các đức Phật thật là sáng suốt không có gì ngăn ngại cả, cũng giống như một hồ nước trong thật trong, khi ta nhìn vào hồ thì ta sẽ thấy rõ ràng những vật nằm trong đó. Các đức Phật mười phương đặc biệt có được Phật nhãn, cho nên khi các Ngài nhìn thì không có chỗ nào mà các Ngài không thấy cả. Còn con mắt phàm phu của chúng ta thì chỉ nhìn được xa nhất là 1 cây số thôi, với cách nhìn kém cỏi như vậy thì làm sao chúng ta thấy được những thế giới hiện đang hiện hữu ở trong vũ trụ này.
Chúng ta tin có lục đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, nhân, thiên) thì tất nhiên chúng ta phải tin chắc là có cõi Cực lạc không sai chạy.
Trích: “Tin sâu Pháp môn Tịnh Độ”
Nguồn: Phật Giáo Việt Nam
Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:
– Kiến thức gia đình
– Tri thức đời sống
– Cẩm nang sức khỏe
– Kênh youtube Kiến thức gia đình