TP HCM phát động cuộc thi thiết kế mô hình check-in và biểu tượng vui du lịch, nhằm tạo dấu ấn riêng, tăng sức hấp dẫn cho thành phố.
Cuộc thi “Thiết kế mô hình check-in du lịch và biểu tượng vui du lịch TP HCM” giai đoạn 1 năm 2023 được Sở du lịch TP HCM phát động ngày 31/10, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nâng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng.
Lấy chủ đề “Thành phố tôi yêu – My Beloved City”, cuộc thi tìm kiếm, lựa chọn những ý tưởng thiết kế mô hình check-in và biểu tượng du lịch độc đáo, mang thông điệp về văn hóa, lịch sử và con người địa phương.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở du lịch TP HCM, Trưởng ban tổ chức cuộc thi chia sẻ hoạt động này góp phần giới thiệu điểm đến, lịch sử, văn hóa đặc trưng và tăng cường sự hiểu biết về điểm đến TP HCM với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời là dịp để cộng đồng thể hiện sự sáng tạo và tình yêu với thành phố.

Dinh Độc Lập là một trong những công trình lịch sử thu hút khách tham quan tại TP HCM. Ảnh: Nguyễn Thanh Vũ
Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM cho biết các mô hình check-in, biểu tượng vui đã xây dựng được hình ảnh thương hiệu cho nhiều điểm đến trên thế giới. Đây là một trong những yếu tố khiến du khách thích thú sau mỗi chuyến du lịch. Hiện, TP HCM có nhiều công trình mang tính biểu tượng nhưng chưa chính thức có một mô hình check-in hay biểu tượng vui tạo thành sản phẩm du lịch. Không riêng TP HCM, nhiều tỉnh thành khách chỉ có những cổng chào đơn giản, không mang tính biểu tượng, gợi nhớ. Do đó, việc có một biểu tượng riêng thành phố “là rất cần thiết”, không chỉ ứng dụng trong các sản phẩm du lịch mà biểu tượng này còn có thể gắn với nhiều lĩnh vực khác.
Về tiêu chí thiết kế mô hình check-in, ông Nguyễn Trường Lưu cho hay các bản vẽ gửi về phải đáp ứng tiêu chí tôn vinh điểm đến, giá trị lịch sử, không phá vỡ cảnh cảnh quan của thành phố. Hội đồng ban giám khảo “cầm cân nảy mực” các bài dự thi gồm 11 thành viên, trong đó có những chuyên gia về kiến trúc, mỹ thuật, chuyên gia xây dựng, quy hoạch, đảm bảo các tác phẩm được chọn có tính công bằng.
Ông Ngô Trần Hải An, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi, cho rằng ngoài những tiêu chí mang tính chuyên môn, muốn mô hình được nhiều người biết tới, có tính lan tỏa, thiết kế cần chạm được vào cảm xúc của du khách. Khi du khách đứng chụp hình bên biểu tượng đó, họ phải cảm thấy “hào hứng và tự hào”. Thiết kế cần mang cái hồn của vùng đất, hội tụ được tính dân tộc, khơi gợi hình ảnh Sài Gòn với lịch sử hơn 300 năm, “khi đứng vào chụp hình có thể cảm nhận được sự đổi thay của thành phố từ quá khứ đến hiện tại”.
Đại diện Hội đồng giám khảo cuộc thi cho biết thêm các thiết kế gửi sẽ được chọn lọc khắt khe, các sản phẩm có ý tưởng từ AI (trí tuệ nhận tạo) sẽ bị loại từ vòng sơ khảo.
Cuộc thi nhận hồ sơ từ ngày 02/11 đến hết ngày 26/11 tại đây. Các tác giả có thể gửi tác phẩm dự thi theo hai hạng mục gồm thiết kế biểu tượng vui của du lịch TP HCM hoặc thiết kế mô hình check-in du lịch TP HCM.
Các tác giả có bài dự thi lọt vào vòng Chung kết của cuộc thi sẽ tham gia Trại sáng tác. Các tác phẩm đoạt giải sẽ được xem xét để triển khai xây dựng thực tế và sử dụng trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phục vụ việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, công tác đối nội, đối ngoại của TP HCM.
Mô hình check-in ở các điểm du lịch luôn là đề tài gây tranh cãi. Tháng 7/2021, bức tượng bán thân mô phỏng nhân vật “Nữ hoàng băng giá Elsa” trong bộ phim hoạt hình Frozen của Disney xây dựng ở Sa Pa, Lào Cai gây nhiều tranh cãi về tính thẩm mỹ, sự phù hợp với cảnh quan núi rừng địa phương. Tượng làm bằng chất liệu nhựa composite đúc sẵn, cao 3 m, rộng 3 m, lắp đặt trên sàn mái nhà trong một khu du lịch. Sau đó, chính quyền thị xã Sa Pa đã yêu cầu chủ đầu tư dừng đón khách tham quan, dỡ bỏ tượng.
Bích Phương
Nguồn: Vnexpress
Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:
– Kiến thức gia đình
– Tri thức đời sống
– Cẩm nang sức khỏe
– Kênh youtube Kiến thức gia đình