Vườn thiền thơm mãi hương công đức

Trong giới danh gia vọng tộc ở vùng đất Thừa Thiên Huế thời Nguyễn, có mấy nhà quý hiển, thành đạt sánh được với gia đình Khánh Mỹ Quận công.

Chồng vợ nay đà đặng tám mươi

Mười con, bốn gái sáu con trai

Trai đầu khoa bảng quan nhì phẩm

Gái thứ cung phi đệ nhứt giai

Ba gái gả nơi sang quý cả

Năm trai đều đậu đại khoa rồi

Một nhà hiếu đạo gồm đầy đủ

Trung phần đây, đố biết nhà ai?

Việc đời như bức tranh vân cẩu, lịch sử sang trang, ngày nay nhìn lại phủ đệ điêu tàn, vàng phai đá nát, hiếm còn người nhớ chuyện công hầu khanh tướng ngày xưa…

May thay trong vườn thiền, hương công đức của sư bà Diệu Không mãi lan tỏa. Bà có thế danh là Hồ Thị Hạnh, con gái của Quận công Hồ Đắc Trung và bà Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Ngọc Lương. Thuở thơ ấu, bà được yêu quý như kỳ trân, bửu ngọc trong nếp nhà vinh hiển, phú quý tột đỉnh ở kinh đô Huế những thập niên đầu thế kỷ XX. Đến tuổi cài trâm, ngoài cửa son dập dìu xe ngựa của vương tôn công tử mong ước cầu thân:

Làng cung kiếm rắp ranh bắn sẻ (1)

Khách công hầu ngấp nghé mong sao.

(Nguyễn Gia Thiều)

Lạ lùng thay, không người nào lọt vào được mắt xanh của “thiên kim tiểu thơ”, lúc này đang là nữ sinh Trường Đồng Khánh, lại có khuynh hướng theo gương Nữ sử Đạm Phương hoạt động yêu nước, nâng cao nữ quyền trong xã hội…

Chân dung cố Ni trưởng Thích nữ Diệu Không

Chân dung cố Ni trưởng Thích nữ Diệu Không

Năm 1929, để giữ tròn đạo hiếu với song thân và thương xót sáu đứa con thơ đang mồ côi mẹ, tiểu thư họ Hồ đã bằng lòng thuận theo lời cầu hôn của ông Tham tá Cơ mật viện Cao Xuân Xang, thứ nam của cụ An Xuân Tử Cao Xuân Dục. Dư luận Huế đô xôn xao vì không ai hiểu được nhân duyên, chỉ biết chau mày than tiếc!

Bà Cao Xuân Xang (Hồ Thị Hạnh) đã ghi lại ngày vu quy của mình:

Đám cưới hay là một đám tang

Cả nhà lớn nhỏ thảy đều than

Chồng chung bịnh hoạn tình phai lạt

Vợ kế kề vai gánh đoạn tràng

Kẻ nói là ngu, người nói dại

Người cho là dở, kẻ cho gan

Biết chăng chỉ có người trong cuộc

Gạy mài thuyền từ phải quyết sang.

Duyên nợ mười một tháng, sanh hạ được một người con trai là Cao Xuân Chuân thì phu quân bà mệnh chung.

Nữ sĩ Cao Ngọc Anh (chị gái của ông Cao Xuân Xang) ghé thăm bà, cảm tác bài thơ:

Hoa đào năm ngoài khách năm nay

Phong cảnh nhìn xem khác mọi ngày

Hoa cỏ tơi bời quanh suối rụng

Yến oanh thơ thẩn cách tường bay

Lửa tình dẫu tắt lòng chưa nguội

Bể ái tuy vơi lệ vẫn đầy

Một khối Chuân thành đà phỉ nguyện

Nợ đời đã trả chớ nên vay.

Sau khi thành góa phụ, bà thu xếp việc gia đình dần dần để tập trung học hỏi Phật pháp, hoạt động từ thiện và nỗ lực tham gia ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo. Nối tiếp chí nguyện của Tì-kheo-ni Diên Trường (Hồ Thị Nhàn), bà vận động xây dựng Ni viện Diệu Đức để làm nơi đào tạo ni giới Phật giáo cả nước.

Nữ sử Đạm Phương tán dương công đức của bà:

Khoác áo nhu hòa thiệt khỏe không

Hiếu tình hai chữ trả đền xong

Thờ thân nuôi trẻ hai triêng nặng

Mến đạo thương đời một điểm trong

Công quả đã tròn nền Diệu Đức

Phẩm tài chi kém bạn Phương Dung

Nêu cao đuốc tuệ cho bồ liễu

Như mảnh trăng tròn giữa biển đông.

Tuân theo ý chỉ của các vị tôn túc sơn môn, tuy thọ trì mười giới nhưng bà vẫn giữ thân tướng cư sĩ để thuận tiện việc giao thiệp, hoạt động giữa thế gian. Mãi đến năm 1944, hội đủ duyên lành, bà phát tâm xin thọ trì giới Tỳ-kheo-ni tại Giới đàn Thuyền Tôn do Đức Trưởng lão Giác Nhiên làm hòa thượng Đàn đầu. Đại sư Bích Phong (ôn Quy Thiện) vô cùng hoan hỉ tán dương hành trạng của bà qua bài thơ chữ Hán:

Tặng Diệu Không Tỳ-kheo-ni

Âm:

Hầu môn (2) vãn phóng nhất hoa chi

Diễm sắc phương tâm ức thiếu thì

Tảo yếm trần căn vong thế lợi

Vị tài đạo thọ trước điền y

Hoàn năng lạc phách tri nhân kiệt

Ninh bả tầm thường khán nữ nhi

Bách xích can đầu trùng tiến bộ3

Mạc hiềm biến dịch tiện trì trì.

Dịch:

Tặng Tỳ-kheo-ni Diệu Không

Cửa hầu muộn thoát một cành hoa,

Hương sắc từ thơ nức tiếng nhà.

Sớm chán cảnh trần buông thế lợi,

Vì mong hưng đạo khoác ca-sa.

Ngoái nhìn nhân kiệt thời điên đảo,

Chớ nhận tầm thường phận nữ a!

Đầu sào trăm thước thêm bước nữa

Trù trừ thay đổi sẽ lùi xa!

(Trần Đình Sơn dịch)

Một dịp sư bà Diệu Không vào thăm Sài Gòn, nhà thơ Tôn nữ Hỷ Khương đến vấn an, đã dâng tặng bài thơ kỷ niệm:

Chữ Thiện Chân

Hầu chuyện Sư bà một sớm mai

Chuyện xưa tích cũ muốn nghe hoài

Tâm như nhẹ thoát cơn phiền não

Hồn tựa lâng lâng chốn Phật đài

Phong cách Sư bà vẫn lạc quan

Tấm gương sáng tỏ đẹp vô vàn

Đức năng trí tuệ danh ngời rạng

Tình cảm chan hòa giữa thế gian

Hạnh phúc cho ai được dự phần

Cận kề nương tựa mái Hồng Ân

Suối nguồn vi diệu hương trầm ngát

Soi tỏ bên mình chữ: Thiện Chân.

(5/ 1/ 1987)

Bồ-tát Tỳ-kheo-ni Diệu Không đi vào đời với đại nguyện “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh”, hiện đủ thân tướng để thực chứng chơn lý:

Vạn pháp không ngoài lý diệu không,

Không thời phải diệu mới dung thông.

Cái tâm vô trú là tâm diệu,

Diệu tại muôn phương thấy thể đồng.

Hơn hai mươi mùa thu đã trôi qua nhưng rừng Thiền nước Việt dư hương hoa đàm vẫn còn thơm ngát. Thành tâm kính lục những bài thơ xưa để người đời sau hiểu rõ thêm về hành trạng, công đức của một bậc danh Ni trong phong trào chấn hưng Phật giáo hiện đại.

Chú thích: 

1. Theo Đường thư, Đậu Nghị người đất Mậu Lăng làm quan Thượng trụ quốc thời Nam – Bắc triều có người con gái yêu quý muốn kén rể, bèn sai vẽ một con công trên bức bình phong, giao ước rằng ai bắn trúng mắt công thì gã con gái cho. Lý Uyên (về sau là vua Đường Cao Tổ) bắn trúng nên lấy được vợ.

2. Chỗ ở của bậc công hầu, quyền quý.

3. “Bách xích can đầu”, nghĩa đen là trên đầu ngọn sào trăm thước lại tiến thêm một bước, dụ cho sự dũng cảm của người tham thiền vượt qua đầu sào ý thức để đi tới cảnh giới đại ngộ.



Nguồn: Phật Giáo Việt Nam

Xem thêm nội dung mới và bổ ích tại:

– Kiến thức gia đình

– Tri thức đời sống

– Cẩm nang sức khỏe

– Kênh youtube Kiến thức gia đình